Giáo trình Ngôn ngữ mô hình hóa UML
List PriceFrom 1.000 VNĐ
- Nhà xuất bản
- Đại học Cần Thơ
- Khuôn khổ
- 16x24
- Năm xuất bản
- 2014
- Số trang
- 156
- ISBN
- 978-604-919-043-8
- Tác giả
- Phạm Thị Xuân Lộc, Phạm Thị Ngọc Diễm
- Giới thiệu
- Đọc thử
Thời gian thuê bắt đầu được tính từ thời điểm Đơn đặt hàng Được duyệt đến hết Số ngày thuê
Chọn số ngày thuê
Các hệ thống thông tin ngày càng trở nên phức tạp. Chúng bao gồm nhiều người dùng, nhiều phần cứng, phần mềm, nhiều cơ sở dữ liệu liên kết, nối mạng chằng chịt qua khoảng cách địa lý xa xôi. Hơn nữa, chúng cũng phải đáp ứng các đòi hỏi khắc nghiệt của cuộc sống hối hả, cần kết quả nhanh chóng, chặt chẽ và chính xác.
Vấn đề mấu chốt là tổ chức quá trình thiết kế theo cách thức sao cho các nhà phân tích, nhà thiết kế, người sử dụng, nhà lập trình, v.v… hiểu và thống nhất với nhau về bản thiết kế cũng như quá trình thiết kế đó.
Các ngôn ngữ mô hình hóa ngày nay phải cho phép các nhà xây dựng hệ thống (system builder) tạo nên các bản thiết kế thể hiện được tầm nhìn của họ theo cách thức chuẩn xác, dễ hiểu, và họ cũng có thể chia sẻ chúng với người khác một cách hiệu quả. Trên thực tế, việc giao tiếp và chia sẻ thông tin giữa con người với nhau là vô cùng quan trọng, bởi vì trong quá trình phát triển hệ thống thông tin, nhà phân tích có thể hiểu sai yêu cầu của người sử dụng. Họ có thể đưa ra bản phân tích hoặc sưu liệu không đúng thực tế và yêu cầu, khó tiếp cận với người sử dụng và gây hiểu lầm đối với ngay cả chính với đồng nghiệp trong nhóm xây dựng hệ thống của họ. Điều này có thể dẫn đến hậu quả các chương trình không giải quyết được bài toán đặt ra từ khách hàng.
Khách hàng là thành phần được đặc biệt tôn trọng trong phương pháp phân tích thiết kế hệ thống hướng đối tượng. Họ phải hiểu được công việc nhóm phân tích thiết kế sắp làm, và có khả năng chỉ ra được các thay đổi mà nhóm này phải nắm bắt. Mặt khác, việc phát triển hệ thống hiện nay không còn là việc cá nhân mà của tập thể nên từng thành viên trong nhóm phân tích thiết kế phải biết được vị trí công việc của mình trong tổng thể, và tổng thể đó là gì.
Phương pháp phân tích thiết kế hướng đối tượng đã chứng tỏ phù hợp xu thế thời đại nói trên. Vấn đề đặt ra là cần có một ngôn ngữ mô hình hóa các khái niệm và ký hiệu được chấp nhận như một chuẩn cho phân tích và thiết kế hướng đối tượng. UML (Unified Modeling Language) đã mang lại cho giới làm công nghệ thông tin luồng gió mới, gây khuấy động nhất hiện nay vì đáp ứng được tiêu chí đó. Điểm nổi trội ở UML là nó rất tượng hình, ngắn gọn mà súc tích.
Việc tìm hiểu UML hiện cũng khá thuận lợi do có rất nhiều tài liệu trên mạng. Tuy nhiên, trong nhà trường đào tạo chuyên ngành thì việc phải có giáo trình chính qui bằng tiếng Việt là điều cần thiết. Hơn nữa, nó đáp ứng cho nhu cầu tìm hiểu nhanh mà thấu đáo, với các phương pháp và ví dụ rút tỉa từ kinh nghiệm thực tế của các tác giả (Ví dụ như cách tạo ra các phương thức cho mỗi lớp, là đề xuất của riêng giáo trình này).
Giáo trình này ra đời hỗ trợ học phần CT165 “Ngôn ngữ mô hình hóa UML” gồm 3 tín chỉ (30 tiết cho lý thuyết và 30 tiết cho thực hành) nhằm giúp học viên:
-
- Củng cố các kiến thức đã học được trong lập trình hướng đối tượng và phân tích thiết kế hệ thống.
- Nắm chắc các định nghĩa, khái niệm trong các loại mô hình khác nhau trong ngôn ngữ UML, đối chiếu chúng với các cách thức mô hình hóa cổ điển, và ứng dụng chúng vào ngữ cảnh cụ thể có qui mô vừa phải nhưng đa dạng, sát với thực tế.
- Sử dụng công cụ thiết kế mô hình UML như Win Design, StarUML.
Mặc dù đối tượng học viên chính ở đây là sinh viên đại học thuộc các chuyên ngành của công nghệ thông tin như hệ thống thông tin, kỹ thuật viên phần mềm, v.v... nhưng các đối tượng khác như các nhà phân tích, nhà lập trình, các thành viên trong các hệ thống đối tác được tin học hóa, ... muốn tìm hiểu thêm, đều có thể tìm thấy ở đây những điều bổ ích cho công việc của mình.
Người đọc cần có kiến thức về Cơ sở dữ liệu, Lập trình hướng đối tượng. Nếu có kiến thức về các ngôn ngữ dùng cho phân tích thiết kế hệ thống theo phương pháp truyền thống càng tốt, nhưng không bắt buộc.
Giáo trình bao gồm 6 chương. Chương 1 giới thiệu một cách tổng quan về ngôn ngữ UML. Các chương từ thứ 2 đến thứ 5 lần lượt đi sâu vào các mô hình căn bản trong UML là sơ đồ hoạt vụ, sơ đồ lớp, sơ đồ tuần tự và sơ đồ hoạt động. Chương 6 nêu lên ứng dụng của các mô hình UML trong các giai đoạn phân tích thiết kế một hệ thống thông tin, chủ yếu là hướng đối tượng (mặc dù cũng có một số như sơ đồ hoạt vụ, sơ đồ hoạt động cũng được dùng trong hệ thống thông tin khác).
Các ví dụ thường được xen vào sau từng mục khái niệm. Và tùy theo chương, có thể có ví dụ chung cho toàn chương, lấy từ các vấn đề hay gặp trong thực tế. Tương tự cho bài tập, giáo viên có thể cho cá nhân học viên làm bài tập đơn giản ngay tại lớp sau một hoặc nhiều mục, hoặc bài tập toàn chương, đồng thời cũng cho bài tập nhóm làm xuyên suốt qua các mô hình để tạo thành một quyển báo cáo có giá trị thực tiễn.
Nhóm tác giả bày tỏ sự biết ơn đối với các đồng nghiệp trong khoa Công nghệ Thông tin & Truyền thông, trường Đại Học Cần Thơ đã giúp đỡ các tác giả trong khi biên soạn giáo trình. Vì thời gian biên soạn quá ngắn nên giáo trình không thể tránh những sai sót, các tác giả mong nhận được các đóng góp và ý kiến phản hồi từ các em sinh viên, giáo viên và độc giả nói chung.