Chỉ thị gen chức năng trong chọn giống lúa

List PriceFrom 1.000 VNĐ

Nhà xuất bản
Đại học Cần Thơ
Khuôn khổ
16x24
Số trang
72
Năm xuất bản
2021
ISBN
978-604-965-526-5
Tác giả
Huỳnh Kỳ, Nguyễn Châu Thanh Tùng
Giới thiệu
Đọc thử

Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có thể được xem là cái nôi của nền nông nghiệp của Việt Nam. Vì với chỉ khoảng 4 triệu hecta đất nông nghiệp, ÐBSCL đã cung cấp khoảng 50% sản lượng lương thực cho cả nước. Trong đó, cây lúa được xem là cây chủ lực vì chúng chiếm diện tích lớn đất nông nghiệp trong sản xuất và đang gánh vác một trọng trách rất lớn cho an ninh lương thực quốc gia và còn cung cấp gạo cho thế giới. Tuy nhiên thị hiếu về gạo trên thế giới luôn luôn thay đổi, do đó các nhà chọn giống luôn phải song hành chọn tạo ra những giống lúa phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Lịch sử của chọn tạo giống lúa đã xuất từ cách đây hơn 8.000 năm, khi đó nhằm tìm nguồn lương thực cung cấp, con người cổ đại đã thu lượm và chọn lọc các giống lúa hoang dại để thuần hóa, tiến trình này dần dần làm các giống lúa được thuần hóa hạn chế khả năng chống chịu trước điều kiện bất lợi khi tồn tại theo kiểu hoang dại. Vào thời đó thì người cổ đại chọn giống bằng cách cảm nhận các đặc tính mong muốn và chọn lọc, tiến trình kéo dài qua hàng ngàn năm để chọn lọc được các giống mang đặc tính tốt. Do đó tiến trình chọn lọc đã dần dần thu hẹp nguồn gen trong tự nhiên. Tuy nhiên trong phương thức canh tác của người cổ đại như du nhập giống từ nhiều nguồn khác nhau, sự giao phấn trong tự nhiên đã giúp đa dạng hóa nguồn gen, và với sự lựa chọn có ý thức hay vô thức đã tạo ra trên 150.000 giống cây trồng trên thế giới.

Nền tảng của phương thức chọn giống hiện đại được hình thành từ năm 1700 – 1900. Từ khi phát hiện ra giới tính trên cây trồng vào năm 1694 và nhận thấy được ra sự lai tạo ở thực vật vào năm 1719, chính hiện tượng này đã tạo ra rất nhiều các biến dị trong tự nhiên. Sau này cơ sở khoa học của việc chọn giống cây trồng đã được nâng cao rất nhiều trong thế kỷ 20. Thêm vào đó, những bước đột phá khoa học kỹ thuật vào thế kỷ thứ 20 cũng góp phần cho việc phát triển giống mới, một trong những khám phá về DNA là nền tảng của sự di truyền và việc phát hiện cấu trúc của vật chất di truyền đã giúp cho ngành chọn giống bước vào kỷ nguyên mới. Dựa vào nền tảng DNA là vật chất di truyền, các nhà chọn giống đã vận dụng những kỹ thuật hiện đại giúp cho công tác chọn giống được chính xác và nhanh chóng hơn, như kỹ thuật di truyền (chuyển gen), ứng dụng hỗ trợ chỉ thị phân tử trong chọn giống (MAS), trong đó một trong những phương cách chọn giống chính xác và hiệu quả nhất là sử dụng gen chức năng làm dấu chỉ thị phân tử (FM). Trong khuôn khổ quyển sách này nhóm tác giả hy vọng giới thiệu độc giả những kiến thức cơ bản về dấu chỉ thị phân tử là gen chức năng và những ứng dụng thực tế của nó trong chọn giống cây trồng.

Quyển sách này mục đích chính làm tài liệu tham khảo cho sinh viên chuyên ngành Nông nghiệp, Công nghệ Sinh học và Sinh học ứng dụng còn có thể làm tài liệu hướng dẫn cho các Viện trường, trung tâm giống dùng làm tài liệu nghiên cứu giúp công tác chọn giống chính xác hơn nhờ ứng dụng các kỹ thuật hiện đại đã trình bày trong quyển sách này.

Trong quyển tài liệu tham khảo này, nhóm tác giả đã tham khảo nhiều tài liệu chuyên ngành đã được xuất bản hoặc công bố, hầu hết các kết quả nghiên cứu trên đối tượng cây lúa và hình ảnh minh họa là của chính nhóm tác giả (trong phần ứng dụng). Trong quá trình biên soạn, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng chắc chắc còn những thiếu sót nhất định, rất mong nhận được sự đóng góp chân thành của quý Thầy Cô, các bạn đồng nghiệp, sinh viên và những đọc giả quan tâm có cơ hội sử dụng hoặc tham khảo quyển sách này để có cơ cập nhật và hoàn thiện hơn.