Giáo trình Lịch sử Việt Nam cổ trung đại 1
List PriceFrom 1.000 VNĐ
- Nhà xuất bản
- Đại học Cần Thơ
- Khuôn khổ
- 16x24
- Năm xuất bản
- 2018
- Số trang
- 206
- ISBN
- 978-604-965-121-2
- Tác giả
- Phạm Đức Thuận, Bùi Hoàng Tân
- Giới thiệu
- Đọc thử
Thời gian thuê bắt đầu được tính từ thời điểm Đơn đặt hàng Được duyệt đến hết Số ngày thuê
Chọn số ngày thuê
Trong chương trình đào tạo cử nhân ngành Sư phạm Lịch sử tại Bộ môn Sư phạm Lịch sử - Khoa Sư phạm – Trường Đại học Cần Thơ, học phần Lịch sử Việt Nam cổ trung đại 1 (Từ tiền sử đến năm 1427) có nhiệm vụ trang bị cho người học kiến thức về sự vận động, phát triển của lịch sử Việt Nam trong giai đoạn từ nguyên thủy đến khi kết thúc cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1427), nhà Lê (Hậu Lê) được thành lập. Từ những kiến thức được trang bị trong học phần, sinh viên có thể nắm bắt được những nét chung và đặc trưng nhất của lịch sử cổ trung đại Việt Nam qua các giai đoạn phát triển, từ đó làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, phục vụ cho công việc giảng dạy và nghiên cứu khi ra trường.
Lịch sử cổ trung đại Việt Nam là một bộ phận cấu thành của lịch sử Việt Nam. Trong đó, những nội dung được trình bày trong học phần thể hiện quá trình phát triển của Việt Nam từ thời tiền sử đến khi xây dựng những vương quốc đầu tiên, đến những giai đoạn đấu tranh kiên cường để xây dựng đất nước, chống lại giặc ngoại xâm, hướng tới tự cường. Cũng trong giai đoạn này, một nền văn hóa Việt Nam giàu bản sắc đã được xây dựng, góp phần hình thành nên một nền Văn minh Đại Việt rực rỡ trong lịch sử dân tộc. Nhắc đến giai đoạn này, người Việt Nam luôn có một niềm tự hào về những nhân vật lịch sử như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Trần Nhân Tông, Trần Quang Khải, Nguyễn Trãi, Lê Lợi…, cùng với đó là niềm tự hào về những cuộc kháng chiến oanh liệt của dân tộc như cuộc kháng chiến chống Tống thời nhà Lý, 3 lần kháng chiến chống Mông – Nguyên thời nhà Trần. Bên cạnh đó là những áng “thiên cổ hùng văn” của dân tộc cũng được viết nên trong giai đoạn này như Nam Quốc Sơn Hà, Hịch Tướng sĩ, Bình Ngô Đại Cáo… những truyền thống hào hùng đó từ lịch sử Việt Nam cổ trung đại đã góp phần hun đúc nên những giá trị của con người Việt Nam, đất nước Việt Nam.
Giáo trình Lịch sử Việt Nam cổ trung đại 1 (Từ tiền sử đến năm 1427) do nhóm tác giả thực hiện được chia thành các chương:
Chương 1. Việt Nam thời tiền sử
Chương 2. Thời kỳ hình thành các quốc gia cổ đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam
Chương 3: Thời Bắc thuộc và chống Bắc thuộc
Chương 4. Đất nước thời Ngô – Đinh – Tiền Lê (939 – 1009)
Chương 5. Đại Việt thời nhà Lý (1009 – 1225)
Chương 6. Đại Việt thời nhà Trần (1226 – 1400)
Chương 7. Đại Việt thời nhà Hồ và cuộc xâm lược của nhà Minh (1400 -1407)
Chương 8. Phong trào khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược với đỉnh cao là khởi nghĩa Lam Sơn
Trong tiến trình lịch sử đó, sự thịnh suy của những triều đại, những thăng trầm của đất nước được thể hiện đan xen để người học có thể rút ra được những nhận xét, những bài học cho riêng mình. Là một giáo trình ở bậc đại học, song song với việc cung cấp nguồn sử liệu cơ bản thì giáo trình Lịch sử Việt Nam cổ trung đại 1 cũng khai thác nhiều khía cạnh chiều sâu để phát triển khả năng của người học. Vì vậy mà, những gợi mở trong tranh luận hay những chi tiết lịch sử còn tranh cãi, bàn thảo cũng được trình bày như một khía cạnh không thể thiếu của giáo trình này.
Giáo trình kế thừa những nghiên cứu và các giáo trình trước đây của nhiều nhà sử học tiền bối có thể kể đến như “Đại cương Lịch sử Việt Nam (tập 1)” của GS Trương Hữu Quýnh, PGS. Phan Đại Doãn và PGS. Nguyễn Cảnh Minh, “Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX” của GS Đào Duy Anh, “Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến năm 1884” của PGS Nguyễn Phan Quang và PGS.TS. Võ Xuân Đàn… cùng với những thực tế giảng dạy của nhóm tác giả trong những năm qua. Mặc dù có nhiều nỗ lực, song, giáo trình này chắc chắn còn nhiều thiếu sót, tác giả mong nhận được sự thông cảm và kính mong các thầy cô, các bạn đồng nghiệp, các em sinh viên góp ý cho giáo trình để ngày càng hoàn thiện hơn.