Giáo trình Phong cách học tiếng Việt

List PriceFrom 1.000 VNĐ

Nhà xuất bản
Đại học Cần Thơ
Khuôn khổ
16x24
Năm xuất bản
2012
Số trang
244
Tác giả
Nguyễn Văn Nở
Giới thiệu
Đọc thử

            Giáo trình này biên soạn nhằm mục đích cung cấp cho sinh viên ngành sư phạm Ngữ văn, ngành Ngôn ngữ và Văn học kiến thức cơ bản, có hệ thống về phong cách học tiếng Việt (Trong chương trình theo học chế tín chỉ của ngành Sư phạm Ngữ văn và Cử nhân Văn học ở Trường Đại học Cần Thơ, học phần này có mã số là SP 533). Nội dung của giáo trình được trình bày thành 3 chương và phần phụ lục gồm một số bài viết của tác giả có liên quan đến phong cách học. Cụ thể như sau:

            Chương I. Dẫn luận về phong cách học

            Chương này trình bày lí thuyết chung về phong cách học, đặc biệt là về đối tượng, nhiệm vụ của phong cách học, một số khái niệm cơ bản của ngành học, vấn đề chuẩn mực ngôn ngữ và chuẩn mực phong cách và phương pháp phân tích sự biểu đạt của phong cách học.

            Chương II. Các phong cách chức năng ngôn ngữ tiếng Việt

            Trong chương này, tác giả giới thiệu một số cách phân loại các phong cách chức năng ngôn ngữ tiếng Việt và trình bày cách phân loại của giáo trình, sau đó miêu tả từng phong cách cụ thể. Việc miêu tả có so sánh các phong cách với nhau để vừa thuyết minh rõ đặc trưng, đặc điểm của từng phong cách đồng thời thấy được sự tương đồng và dị biệt của chúng.

            Chương III. Các phương tiện và biện pháp tu từ tiếng Việt

            Đây là chương tác giả giới thiệu các phương tiện và biện pháp tu từ ngữ âm, từ ngữ, cú pháp tiếng Việt. Qua chương này, người đọc có thể nắm được những vấn đề về khái niệm, đặc điểm tu từ và giá trị vận dụng của các phương tiện tu từ và khái niệm, cấu tạo cũng như giá trị biểu đạt của từng biện pháp tu từ cụ thể.

            Để giúp sinh viên có thể tự học, tự nghiên cứu, hoặc thảo luận, sau mỗi chương, tác giả thiết kế một số câu hỏi vừa bám sát nội dung lí thuyết, vừa mở rộng tìm hiểu, phân tích những văn bản cụ thể.

            Trong phần Phụ lục, tác giả chọn một số bài viết của mình đã đăng trên các tạp chí chuyên ngành liên quan đến phong cách học để sinh viên, học viên tham khảo nhằm mở rộng hơn về kiến thức và có thể ứng dụng các thao tác phân tích sự biểu đạt của phong cách học mà người viết đã dùng vào việc tìm hiểu giá trị biểu đạt và vẻ đẹp ngôn từ trong tác phẩm văn chương nói riêng và những văn bản thuộc các phong cách chức năng ngôn ngữ khác nói chung.  

            Giáo trình này có sự kế thừa về cách phân loại, miêu tả các phong cách chức năng ngôn ngữ tiếng Việt cùng những phương tiện, biện pháp tu từ của quyển “Phong cách học tiếng Việt” (1993) của Đinh Trọng Lạc (chủ biên) - Nguyễn Thái Hoà và “Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt” (1983) của Cù Đình Tú. Một số vấn đề lí giải, thuyết minh cho khái niệm, những ví dụ minh hoạ cũng được dẫn từ các quyển Từ điển tu từ - phong cách thi pháp học” (2006) của Nguyễn Thái Hoà và “99 phương tiện và biện pháp tu từ tiếng Việt” (1997) của Đinh Trọng Lạc trên cơ sở có điều chỉnh, bổ khuyết, cập nhật nội dung và ngữ liệu. Phần câu hỏi thảo luận ôn tập cũng có dẫn một số bài tập từ quyển 300 bài tập phong cách học tiếng Việt (1999) của Đinh Trọng Lạc.

            Nhân đây, tác giả xin chân thành cảm ơn PGS.TS. Đỗ Văn Xê, PGS.TS. Trần Thanh Ái, ThS. Nguyễn Thị Ngọc Điệp, ThS. Bùi Thị Tâm, ThS. Huỳnh Thị Lan Phương, ThS. Trần Văn Minh, Ô. Nguyễn Văn Tư… đã dành thời gian đọc và có những ý kiến đóng góp quý báu về nội dung, cấu trúc và cả hình thức của văn bản.

            Xin chân thành cảm ơn Ban Giám hiệu, Phòng Đào tạo và Nhà xuất bản Đại học Cần Thơ đã hỗ trợ và tạo điều kiện để giáo trình có thể ra mắt bạn đọc.

            Dù đã cố gắng chỉnh sửa, nhưng giáo trình không tránh khỏi còn những sai sót. Tác giả rất mong nhận được sự góp ý, nhận xét và xin được cảm ơn trước.