Quản lý chất lượng chuỗi cung ứng tôm ở Đồng bằng sông cửu Long

List PriceFrom 0 VNĐ

Nhà xuất bản
Đại học Cần Thơ
Khuôn khổ
16x24
Năm xuất bản
2021
Số trang
158
ISBN
978-604-965-578-4
Tác giả
Nguyễn Thị Kim Quyên, Lê Nguyễn Đoan Khôi, Huỳnh Văn Hiền, Đặng Thị Phượng
Giới thiệu
Đọc thử

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, không chỉ chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm trở nên rất quan trọng trong sản xuất-kinh doanh thực phẩm mà các vấn đề liên quan khác như quản lý chuỗi cung ứng và phân tích chuỗi giá trị sản phẩm để tăng giá trị gia tăng, tăng lợi thế cạnh tranh và tăng thu nhập chuỗi; bình đẳng thương mại và phát triển bền vững cũng được đặc biệt quan tâm của Chính phủ Việt Nam. Xuất phát từ luận cứ này, nghiên cứu “Quản lý chất lượng chuỗi cung ứng tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Việt Nam” theo cách tiếp cận tổng hợp của Porter (1985, 1990), Tallec (2005), Kaplinsky (2000), (Recklies, 2001), GTZ ValueLinks (2007) và M4P (2007) đã được nghiên cứu và có những kết quả ý nghĩa.

Trước hết, các hoạt động trong chuỗi cung ứng tôm như sản xuất, mua-bán cũng như xu hướng thị trường của từng chủ thể trong chuỗi (Nhà cung ứng đầu vào, người sản xuất tôm, thu gom/người mua sỉ và nhà chế biến xuất khẩu) được mô tả. Thứ hai, sơ đồ chuỗi giá trị tôm đã được xác định bao gồm các chức năng chuỗi, các chủ thể (tác nhân) tham gia chuỗi, kênh thị trường và nhà hỗ trợ/thúc đẩy chuỗi được thiết lập.  Thứ ba, phân tích kinh tế chuỗi bao gồm chi phí sản xuất, chi phí tăng thêm, giá trị gia tăng, tổng thu nhập và lợi nhuận chuỗi cũng như tham gia lao động chuỗi của các tác nhân được thực hiện. Thứ tư, mặt mạnh, mặt yếu, cơ hội và nguy cơ (SWOT) cũng như các vấn đề về chất lượng sản phẩm của chuỗi được phân tích và xác định. Sau cùng, nghiên cứu còn đề cập đến một chiến lược nâng cấp chuỗi nhằm tăng giá trị gia tăng, thu nhập và lợi nhuận cũng như phát triển bền vững ngành hàng tôm ở ĐBSCL.

Trong khuôn khổ của đề tài nghiên cứu Khoa học với tên gọi Kinh tế - xã hội và quản lý nghề cá thuộc dự án ODA, F8-thủy sản. Nghiên cứu được thực hiện nhằm hướng tới mục tiêu Quản lý chất lượng chuỗi cung ứng tôm theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Cách tiếp cận nghiên cứu bao gồm cả yếu tố kỹ thuật và yếu tố kinh tế-xã hội. Các phương pháp tiếp cận và kết quả nghiên cứu liên quan đến chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị tôm ở ĐBSCL được soạn thảo, trình bày thành các chuyên đề nghiên cứu (được trình bày thành các chương sách trong cuốn sách này) nhằm cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho các địa phương trong vùng, các nhà hoạch định chính sách trong định hướng phát triển ngành hàng tôm trong thời gian tới.

Quyển sách này bao gồm 6 chương. Chương 1 giới thiệu tổng quan về bối cảnh, thực trạng sản xuất và tiêu thụ tôm Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng trong giai đoạn 2015 – 2020. Những thành tựu, thách thức của ngành hàng tôm cũng như các nghiên cứu có liên quan đến chuỗi cung ứng ngành hàng tôm cũng được trình này trong chương này. Chương 2 đánh giá hiện trạng các mô hình nuôi tôm nước lợ ở ĐBSCL, tập trung vào các chỉ tiêu kỹ thuật và tài chính của các mô hình nuôi tôm tại hộ nuôi qui mô nhỏ. Phân tích dựa trên đánh giá hiệu quả kinh tế, hiệu quả kỹ thuật và hiệu quả phân bổ nguồn lực trong các hộ nuôi tôm qui mô nhỏ. Chương 3 trình bày về thực hành quản lý chất lượng tôm thẻ chân trắng thâm canh tại khu vực ĐBSCL. Chương 4 nghiên cứu về tác động của rủi ro dịch bệnh lên hiệu quả tài chính và các giải pháp ứng phó của người nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh ở tỉnh Bến Tre. Chương 5 trình bày một nghiên cứu điển hình về việc áp dụng và đạt được chứng nhận ASC tại hợp tác xã nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh Hòa Nghĩa tại tỉnh Sóc Trăng. Cuối cùng, Chương 6 tập trung đề xuất các giải pháp nâng cấp chuỗi ngành hàng tôm bền vững. Phương pháp nghiên cứu sử dụng là tổng quan tài liệu các nghiên cứu có liên quan đến các chủ đề trong cuốn sách này. Các tài liệu, báo cáo nghiên cứu được lược khảo phần lớn từ các công trình nghiên cứu khoa học của các giảng viên, nhà nghiên cứu trường Đại học Cần Thơ trong khuôn khổ của đề tài do đó sẽ không tránh khỏi những thiếu sót do nghiên cứu về ĐBSCL rất phong phú nhưng chưa được đề cập hết trong cuốn sách này.

Nghiên cứu này được tài trợ bởi Dự án Nâng cấp Trường đại học Cần Thơ VN14-P6 bằng nguồn vốn vay ODA từ Chính phủ Nhật Bản. Do đó, nhóm tác giả chân thành cám ơn Dự án để chúng tôi thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu quan trọng này góp phần phát triển một ngành hàng chính ở ĐBSCL cụ thể ngành hàng tôm. Chúng tôi xin gởi lời cám ơn trân trọng đến các đơn vị chức năng của Trường Đại học Cần Thơ – đơn vị quản lý chủ trì thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu đã tạo điều kiện tốt nhất cho chúng tôi hoàn thành công việc. Đặc biệt, chúng tôi xin gởi lời cám ơn quý giá đến các công ty sản xuất kinh doanh tôm, các hợp tác xã, nông hộ nuôi, cán bộ khuyến ngư địa phương, và nhiều tác nhân trong chuỗi cung ứng tôm đã cung cấp thông tin bổ ích, cũng như nhiệt tình tham gia các cuộc khảo sát được thực hiện bởi nghiên cứu này. Không có sự hợp tác của mọi người, chắc chắn rằng chúng tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện thành công dự án này.

Tập thể tác giả trân trọng giới thiệu cuốn sách này đến quý đọc giả, đặc biệt là sinh viên các ngành thủy sản, học viên cao học, nhà nghiên cứu và quản lý các cấp ở địa phương trong lĩnh vực thủy sản. Rất mong nhận được nhiều góp ý từ độc giả và các nhà nghiên cứu.